Những Câu Hỏi Toà Sẽ Hỏi Khi Ly Hôn [Cần Chuẩn Bị Trước]

Những câu hỏi Tòa sẽ hỏi khi ly hôn thường xoay quanh việc hòa giải, giúp vợ chồng có cơ hội suy nghĩ lại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đồng thời, Tòa án cũng làm rõ các vấn đề về tài sản, con cái và nợ chung để giải quyết vụ ly hôn một cách hợp lý. Việc nắm rõ những câu hỏi Tòa sẽ hỏi khi ly hôn sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn trước phiên xét xử, tránh bối rối và bảo vệ quyền lợi của mình.

Những Câu Hỏi Toà Sẽ Hỏi Khi Ly Hôn
Những Câu Hỏi Toà Sẽ Hỏi Khi Ly Hôn

1. Những Câu Hỏi Tòa Sẽ Hỏi Khi Ly Hôn:

– Mối Quan Hệ Hôn Nhân

  • Hai vợ chồng đăng ký kết hôn vào ngày nào, tại đâu? Có đúng thủ tục theo quy định pháp luật không?
  • Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chung sống ở đâu?
  • Hiện tại hai người còn sống chung không hay đã ly thân? Nếu ly thân thì bao lâu rồi?
  • Trước khi kết hôn, hai vợ chồng có thời gian tìm hiểu nhau không?
  • Hai vợ chồng có mâu thuẫn gì? Nguyên nhân mâu thuẫn là gì?
  • Hai vợ chồng đã cố gắng hòa giải chưa? Có thực sự không thể tiếp tục cuộc hôn nhân này không?
  • Nếu được cho thêm thời gian, hai người có thể suy nghĩ lại không?
  • Gia đình hai bên có biết về việc ly hôn không? Ý kiến của họ thế nào?
  • Sau khi ly hôn, hai người có dự đoán trước những vấn đề có thể phát sinh không?

– Các Câu Hỏi Về Con Cái

  • Hai vợ chồng có bao nhiêu con chung? Có con riêng không?
  • Thông tin của con: Tên, năm sinh, giới tính?
  • Hiện tại con đang sống với ai?
  • Hai vợ chồng đã thỏa thuận được ai sẽ là người trực tiếp nuôi con chưa?
  • Nếu chưa thoả thuận được, lý do vì sao?
  • Người không trực tiếp nuôi con có đồng ý cấp dưỡng không? Nếu có thì mức cấp dưỡng là bao nhiêu?
  • Nếu con từ 7 tuổi trở lên, Toà án sẽ hỏi trực tiếp nguyện vọng của con muốn sống với ai.
  • Hai vợ chồng có thỏa thuận về việc thăm nom, chăm sóc con sau khi ly hôn không?

– Các Câu Hỏi Về Tài Sản Chung

  • Hai vợ chồng có tài sản chung nào không? Gồm những gì?
  • Tài sản này có nguồn gốc từ đâu?
  • Hai người có thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung không? Nếu có, nội dung thỏa thuận là gì?
  • Trước khi kết hôn, hai vợ chồng có xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản không?
  • Có tranh chấp về tài sản riêng không?

– Các Câu Hỏi Về Nợ Chung

  • Hai vợ chồng có khoản nợ chung nào không? Nếu có thì số tiền bao nhiêu?
  • Chủ nợ là ai? Thời gian vay và mục đích vay như thế nào?
  • Hai người đã thỏa thuận về trách nhiệm trả nợ chưa?
  • Có đang cho ai vay tiền không? Nếu có thì số tiền bao nhiêu?

2. Cách Trả Lời Những Câu Hỏi Của Toà Khi Ly Hôn

Khi trả lời các câu hỏi của Toà, vợ chồng cần lưu ý:

  • Trả lời trung thực để Toà nắm được thực tế và mong muốn của mình.
  • Nếu muốn giành quyền nuôi con, cần đưa ra những lợi thế của bản thân như thu nhập, thời gian chăm sóc con, điều kiện sống…
  • Nếu có tranh chấp về tài sản, cần chuẩn bị bằng chứng chứng minh quyền lợi của mình.
  • Nếu đối phương đưa ra những bất lợi, cần có bằng chứng phản bác để bảo vệ quyền lợi cá nhân.

Trên đây là tổng hợp những câu hỏi mà Toà có thể đặt ra khi giải quyết ly hôn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho quá trình làm việc với Toà án.

3. Thủ tục ly hôn theo quy định mới nhất

Ly hôn có thể diễn ra theo hai hình thức: ly hôn thuận tìnhly hôn đơn phương. Dưới đây là quy trình chi tiết của từng trường hợp theo quy định mới nhất.

– Quy trình ly hôn thuận tình

Để thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình, hai bên cần thống nhất về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con và phân chia tài sản. Các bước thực hiện như sau:

  1. Nộp đơn ly hôn: Hai bên nộp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
  2. Tòa án xem xét đơn: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Tòa án kiểm tra tính hợp lệ và thông báo cho các bên nộp tiền tạm ứng án phí trong vòng 03 ngày làm việc.
  3. Nộp án phí: Khoản tiền này được nộp tại Chi cục thi hành án dân sự cấp quận/huyện, sau đó nộp biên lai cho Tòa án để hoàn tất thủ tục.
  4. Hòa giải tại Tòa: Trong vòng 15 ngày, thẩm phán sẽ tổ chức phiên hòa giải để các bên xem xét lại quyết định của mình.
  5. Ra quyết định ly hôn: Nếu sau 07 ngày kể từ phiên hòa giải, cả hai bên vẫn giữ nguyên quyết định ly hôn, Tòa án sẽ ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày ban hành.

– Quy trình ly hôn đơn phương

Nếu một trong hai bên không đồng ý ly hôn hoặc có tranh chấp về con cái, tài sản, công nợ, thì người có yêu cầu ly hôn phải thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương theo các bước sau:

  1. Nộp đơn ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
  2. Tòa án xem xét đơn và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí trong vòng 03 ngày làm việc.
  3. Nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án dân sự cấp quận/huyện, sau đó nộp biên lai cho Tòa án.
  4. Chuẩn bị xét xử:
    • Thời gian chuẩn bị xét xử kéo dài tối đa 04 tháng.
    • Trong thời gian này, Tòa án sẽ thu thập chứng cứ, hòa giải, lấy lời khai của các bên.
    • Nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
  5. Xét xử ly hôn:
    • Nếu bị đơn không có mặt trong phiên tòa lần đầu và không có lý do chính đáng, Tòa sẽ hoãn phiên tòa và ấn định ngày xét xử lần 2.
    • Nếu bị đơn tiếp tục vắng mặt ở phiên xét xử lần 2, Tòa án sẽ xem xét hồ sơ, chứng cứ để đưa ra phán quyết cuối cùng.
    • Nếu hồ sơ chưa đầy đủ chứng cứ để giải quyết, Tòa có thể trả lại hồ sơ cho nguyên đơn.

– Lưu ý khi ly hôn đơn phương

  • Đương sự được ủy quyền cho người khác làm thủ tục hồ sơ, nhưng không thể ủy quyền tham gia tố tụng tại Tòa.
  • Nguyên đơn bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa. Nếu vắng mặt, phải có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do chính đáng.
  • Nếu nguyên đơn vắng mặt không lý do, Tòa án có thể đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại hồ sơ.

Việc nắm rõ quy trình ly hôn theo quy định mới nhất giúp bạn chủ động trong quá trình giải quyết thủ tục, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Bạn có bất kỳ thắc mắc nào về pháp luật? Hãy inbox trực tiếp cho fanpage Luật New Key Nha Trang. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Xem thêm bài viết liên quan: